Slide 1

Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt khiến ngành thép nhiều nước tổn hại

       Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang trên đà xuất khẩu khoảng 90 triệu tấn thép vào năm 2023, tiến gần hơn 110 triệu tấn của năm 2015 - thời điểm chứng kiến sự gia tăng các biện pháp chống bán phá giá trên toàn thế giới.
       Giám đốc điều hành của một công ty vận tải biển lớn mới đến Thái Lan bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc thép Trung Quốc đã phá vỡ thị trường Đông Nam Á như thế nào. Vị này cho biết: "Ngay cả khi áp dụng thuế chống bán phá giá, thép mạ và các sản phẩm tương tự vẫn có thể xuất hiện ở thị trường nước ngoài, và có vẻ như không điều gì có thể ngăn chặn dòng thép Trung Quốc đổ vào các thị trường".
       Vào tháng 9, chính phủ Thái Lan đã đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi gian lận của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
       Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu trọng điểm thép của Trung Quốc. Vào tháng 9, xuất khẩu thép của nước này sang Thái Lan đã tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Malaysia tăng khoảng 80%. Lượng thép xuất khẩu sang Indonesia tăng gấp đôi và sang Việt Nam tăng hơn gấp 4 lần.
       Hiệp hội Công nghiệp Sắt thép Indonesia đã vận động chính phủ bảo vệ ngành này và Việt Nam đã bắt đầu xem xét các biện pháp phòng vệ thương mại. Các nước Nam Mỹ và Trung Đông, những quốc gia nhập khẩu lượng lớn thép của Trung Quốc, cũng đang tăng cường cảnh giác.
       Sản lượng thép của Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Theo dữ liệu sơ bộ từ Hiệp hôi Thép Thế giới, Trung Quốc đã sản xuất 79.1 triệu tấn thép thô trong tháng 10, giảm 1.8% so với một năm trước đó. Nhưng tổng sản lượng từ tháng 1 đến tháng 10 đạt 874.7 triệu tấn, cao hơn so với cùng kỳ.
       Vấn đề bắt nguồn từ nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc sụt giảm, chủ yếu do thị trường bất động sản hạ nhiệt. Kết quả là giá thép tấm cán nóng ở Trung đã giảm xuống gần 500 USD/tấn vào mùa thu năm nay từ mức khoảng 900 USD vào giữa năm 2021. Nguồn cung dư thừa hiện đang chuyển hướng sang thị trường quốc tế và được hỗ trợ bởi đồng Nhân dân tệ yếu.
       Giá thép đã giảm mạnh ở thị trường Châu Á trong bối cảnh hàng xuất khẩu của Trung Quốc tràn vào. Giải trình báo cáo kết quả kinh doanh quý III, Nippon Steel cho biết giá than và các vật liệu khác cao hơn đã thu hẹp biên lợi nhuận ở thị trường nước ngoài xuống mức thấp lịch sử. Nhà sản xuất thép này nhận định "môi trường kinh doanh khắc nghiệt chưa từng có".
       Khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép, nước này đang chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, gây áp lực lên các nhà sản xuất thép ở các nước tiên tiến như Nhật Bản. Xuất khẩu thép cán nóng đạt 14 triệu tấn trong 9 tháng năm 2023, vượt tổng xuất khẩu cả năm 2015. Ngược lại, xuất khẩu thép thanh chưa tới 5 triệu tấn trong cùng giai đoạn - khác xa so với hơn 30 triệu tấn xuất khẩu trong năm 2015.
       Xuất khẩu thép Trung Quốc sang Nhật Bản tăng 15% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 10, mức tăng khiêm tốn so với các thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, xuất khẩu một số sản phẩm nhất định của Trung Quốc, chẳng hạn như thép tấm mạ kẽm đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
       Cuối tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng. Điều này áp dụng cho thép không chỉ của Trung Quốc mà còn của Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. "Chúng ta không thể bỏ qua nguy cơ ngành thép Nhật Bản bị cuốn vào lượng nhập khẩu tăng vọt của Trung Quốc", đại diện Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho biết. Các biện pháp tự vệ đặc biệt có thể được áp dụng đối với tất cả thép nhập khẩu, bất kể nguồn gốc.
       Sự tăng vọt trước đó trong xuất khẩu thép của Trung Quốc đã làm nổi bật tình trạng dư thừa công suất của quốc gia này. Chính phủ nói với Uỷ ban Thép thuộc Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực giải quyết tình trạng này.
       Mặc dù công suất và sản lượng chắc chắn đã ổn định, nhưng sự sụt giảm nhu cầu nội địa gần đây đã thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh, một lần nữa làm gián đoạn thị trường quốc tế.
       Trong báo cáo công suất thép năm 2021, OECD đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc mở rộng đầu tư xuyên biên giới vào Đông Nam Á, làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất. Những hoạt động này cũng đi ngược lại những nỗ lực khử carbon toàn cầu.
vietnambiz.vn