Slide 1

Doanh nghiệp thép không gỉ vẫn đừng ngồi không yên

Đã 15 ngày kể từ khi có thông tin lùi thời gian áp dụng QCVN20 để tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh. Đến nay, các doanh nghiệp thép không gỉ vẫn “thấp thỏm" đợi văn bản chính thức.

THÔNG TIN "TRUYỀN MIỆNG"

       Vừa qua, trên Cổng thông tin Điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) có thông tin về việc đề xuất lùi thời hạn áp dụng thông tư 15/2019/TT-BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN20 đến ngày 1/1/2022. Tuy nhiên đến nay, theo nhiều doanh nghiệp thép không gỉ phản ánh, văn bản chính thức về việc này vẫn chưa được công bố.
       
Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, đặc biệt thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tổng cục TCĐLCL đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ lùi thời hạn áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN đến ngày 01/1/2022.
       
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng TCĐLCL cho biết, trong thời hạn lùi áp dụng QCVN20 này, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp ngành hàng thép không gỉ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất trong nước, người tiêu dùng.  Đồng thời, xem xét đưa các đối tượng sản phẩm thép không gỉ dạng thép hình (ống tròn, thép hình hộp, thép góc,…) có mã HS 7306.40.90, 7306.61.00 và sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ (như nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ, tủ đựng tài liệu, bàn, ghế,…) vào quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam. Tổng cục TCĐLCL cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thép không gỉ từ thị trường Trung Quốc thông báo cho phía Nhà máy sản xuất tại Trung Quốc xem xét sản xuất thép không gỉ có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc, tiêu chuẩn quốc gia của các nước khác nhằm đảm bảo chất lượng thép không gỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hạn chế những sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thép không gỉ tại các công trình, chống gian lận thương mại, ông Linh nhấn mạnh.


DOANH NGHIỆP VẪN "THẤP THỎM"

       Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo công ty Cổ phần Gia Anh (Inox Gia Anh) cho biết, mặc dù TCĐLCL đã có thông tin về việc lùi thời hạn áp dụng QCVN20, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Như vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (phôi) cho các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt nam vốn đang tạm dừng từ 01/6 đến nay vẫn chưa thể tiếp tục hoạt động trở lại.
       
Toàn bộ nhà máy của các doanh nghiệp hiện đang hoạt động cầm chừng do không còn nhiều phôi để sản xuất. Nếu đến hết tháng 7/2020 mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục không ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu thì đến giữa tháng 8/2020, đa số các nhà máy nói trên bắt buộc phải dừng hoạt động do hết nguyên liệu, kéo theo hàng nghìn lao động thất nghiệp.
       
Mặt khác, thị trường ống, hộp thép không gỉ vốn đang là thị phần chính của các nhà sản xuất trong nước trong suốt hàng chục năm qua, thì thời gian gần đây đã có sự gia tăng lớn về số lượng nhập khẩu từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất trong nước bị sụt giảm sản lượng vì thiếu phôi nguyên liệu. Không chỉ vậy, các đơn hàng xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ,… cũng phải tạm dừng ký kết hợp đồng xuất khẩu, để chờ văn bản chính thức về việc lùi thời hạn áp dụng QCVN20.
       
Được biết, công ty Cổ Phần Gia Anh thành lập từ năm 2000, đã xây dựng mạng lưới hệ thống khách hàng trên toàn quốc, cung cấp sản phẩm cho nhiều ngành hàng khác nhau như Xi măng, Dầu khí, Đóng tàu, Bồn nước, Gia dụng xuất khẩu, Xây dựng, Trang trí nội thất, Thang máy,… Đảm bảo việc làm cho hơn 400 công nhân với sản lượng khoảng 2.500 tấn thép mỗi tháng ra thị trường.  Đến nay, nguồn nguyên liệu dự trữ của Gia Anh chỉ còn rất èo uột và có thể phải tạm thời ngừng dây chuyền sản xuất từ cuối tháng 8, cũng như cho 50% người lao động nghỉ việc luân phiên. Trong 20 năm hoạt động, Gia Anh chưa bao giờ bị nợ quá hạn, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm doanh nghiệp trở nên khó khăn, hiện đang được ngân hàng gia hạn nợ hơn 100 tỷ đồng. Nếu thời gian tới, công ty tiếp tục không có doanh thu, đảm bảo dòng vốn lưu động, có lẽ số nợ cần được gia hạn sẽ “khổng lồ” hơn, dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng lên. Đây là điều không doanh nghiệp nào mong muốn và cấp thiết cần Chính phủ, các Bộ ban ngành sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm, vị lãnh đạo công ty bày tỏ.
       
Các doanh nghiệp hoạt động trong nghành thép không gỉ tại Việt Nam tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ KHCN và các Bộ ban ngành liên quan sớm đưa ra văn bản chính thức cũng như có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khí đó, việc nhập khẩu nguyên liệu rất tốn thời gian, với mỗi hợp đồng nhập khẩu, cần khoảng 30 ngày để đối tác chuẩn bị hàng hoá, cộng thêm 15 ngày vận chuyển và thông quan. Như vậy, kể cả khi có văn bản chính thức, các doanh nghiệp vẫn cần từ 1,5 đến 2 tháng để tái khởi động sản xuất, chậm một ngày, doanh nghiệp khó khăn thêm một ngày.
       
Trước đó, tại cuộc đối thoại với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hiệp hội Thép Việt Nam đã nhất trí sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ nhằm đảm bảo chất lượng thép không gỉ trong sản xuất, hạn chế những sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thép không gỉ tại các công trình, chống gian lận thương mại.
       
Đồng thời tiếp tục kiến nghị Bộ KH&CN xem xét bổ sung phạm vi cho sản phẩm thép không gỉ dạng thép hình (ống tròn, thép hình hộp, thép góc,…) và sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ (như nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ, tủ đựng tài liệu, bàn, ghế,…) vì nếu không bổ sung các đối tượng sản phẩm này vào quản lý thì sản phẩm tiêu dùng sản xuất từ thép không gỉ và sản phẩm thép hình kém chất lượng sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Nguồn: enternews.vn​